Xe “cơm di động” chạy khắp các tuyến đường tại TP.HCM để tặng cơm cho bà con lao động nghèo
Huỳnh Như 123 Sao - Mạng xã hội nghệ sĩ và fans Huỳnh Như 123 Sao - Mạng xã hội nghệ sĩ và fans
Giữa mùa dịch, các tình nguyện viên vẫn không ngại gian nan, quyết định xuống phố bất kể thời tiết để tận tay giao tặng cơm miễn phí cho những bà con nghèo khó tại TP.HCM.
Thời gian qua, khi TP.HCM bùng phát dịch, đã có rất nhiều mô hình “Phi lợi nhuận” được xây dựng nên nhằm hỗ trợ cho người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, không thể không kể đến mô hình “Xe cơm di động miễn phí” của anh Nguyễn Tuấn Khởi – người sáng lập ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam.


Ảnh: Vnexpress
Với mô hình “Xe cơm di động miễn phí” anh Khởi đã cùng các cộng sự của mình lập nên 5 căn “Bếp yêu thương” để cung cấp những suất ăn miễn phí cho bà con nghèo khó. “Mô hình này tôi cũng đã triển khai một thời gian rồi. Để hạn chế tập trung đông người khi nhận cơm, tôi đã đẩy mạnh mô hình này với mong muốn mang những phần cơm miễn phí tỏa đi khắp nơi trên địa bàn TP.HCM, vừa giúp cho những người khó khăn vừa an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19” – anh Khởi chia sẻ.

Ảnh: Tin Tức

Mỗi ngày, vào lúc 7h sáng, có khoảng 20 tình nguyện viên sẽ bắt đầu nấu nướng tại căn nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức). Đến 11 giờ trưa, các tình nguyện viên khác sẽ lấy cơm và cho vào thùng rồi lên đường đi phát khắp các nẻo đường tại TP.HCM. Hiện tại, nhóm anh Khởi gồm có 5 thùng cơm di động. Mỗi thùng đựng đều có dán cách nhiệt và chứa được khoảng 60 suất ăn.


Ảnh: Vnexpress
Một ngày các tình nguyện viên sẽ phát miễn phí khoảng 1.200 – 1.500 phần cơm cho những bà con bán ve chai, vé số, hay những người trong xóm trọ, khu cách ly, bệnh viện,… Được biết, các phần ăn đều được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng với các loại rau, thịt, cá. Và mỗi ngày nhóm cũng sẽ thay đổi các phần ăn khác nhau để cho bà con đỡ ngán. Ngoài cơm, nhóm còn bỏ vào các suất thêm khẩu trang, trái cây, nước uống.


Anh Khởi cũng cho hay thêm: “Xe cơm di động này hoạt động không bao giờ ngưng. Bây giờ dịch, chúng tôi hoạt động cao điểm, không phải chỉ 5 thùng đâu, chúng tôi muốn lên 10 thùng, tỏa đi các nơi, các quận và nhiều điểm nữa. Khi hết dịch, chúng tôi vẫn không dừng lại”.


Ảnh: Vnexpress
Được biết, các tình nguyện viên đi phát cơm hoặc làm việc trong bếp cũng là những người lao động làm việc tại các quán ăn, nhà hàng, bảo vệ,… do ảnh hưởng của dịch bệnh nên họ phải tạm nghỉ. Anh Khởi tiết lộ: “Ban đầu họ đến nhận cơm, sau đó họ trở thành tình nguyện viên. Thật ra họ làm tình nguyện viên không có lương nhưng Food Bank Việt Nam có hỗ trợ thực phẩm cho họ, hỗ trợ chi phí đi lại…”.

Có thể thấy, dù đa phần các tình nguyện viên cũng có hoàn cảnh không mấy khá giả nhưng họ vẫn chung tay góp sức hỗ trợ các bà con khó khăn hơn mình khiến ai nhìn cũng ấm lòng và lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng trong thời điểm khó khăn, căng thẳng.